Đọc hiểu là một phần yêu cầu cơ bản, bắt buộc trong cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2015 môn ngữ văn.
Để đạt được số điểm tối đa cho phần đọc hiểu của môn ngữ văn trong cấu trúc đề thi THPT quốc gia, bên cạnh việc thí sinh phải có kiến thức vững chắc về ngữ văn tiếng Việt còn cần có bí quyết làm bài hiệu quả.
Nắm vững 3 trọng tâm
Trong đề thi, câu đọc hiểu thuộc mức lượng giá nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp), mức điểm thường được tính là 3.
Ở mức nhận biết, đề thường yêu cầu chỉ ra văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nào, phương thức biểu đạt gì, thao tác lập luận nào, phép tu từ gì, lỗi gì về tạo lập văn bản...
Ở mức thông hiểu, câu hỏi thường yêu cầu xác định nội dung, chủ đề; bố cục, nội dung từng phần của văn bản; đặt nhan đề cho văn bản; nêu tác dụng của phép tu từ nào đó; hoặc trích một phần của văn bản và yêu cầu thí sinh nêu sự thông hiểu về nó...
Ở mức vận dụng thấp, đề thường yêu cầu trình bày trong một giới hạn về số dòng nhất định. Có nhiều cách hỏi về vận dụng: từ chủ đề của văn bản, thí sinh trình bày ý kiến bản thân liên quan đến chủ đề đó; trích một phần văn bản và yêu cầu hoàn thiện nó; hoặc yêu cầu đưa thêm những ý kiến riêng của bản thân ngoài quan điểm, chính kiến của tác giả văn bản…
Phân tích kỹ đề
Trước hết, phải đọc thật kỹ văn bản. Xác định số câu hỏi, số vế trong từng câu hỏi, mức điểm từng câu, từng vế. Chú ý các từ “những”, “các” trong câu hỏi bao giờ cũng phải trả lời từ 2 ý trở lên. Lưu ý nhan đề văn bản (nếu có), các ghi chú liên quan đến văn bản (như tác giả, nguồn, năm ra đời thường ở cuối văn bản). Xác định xem văn bản gồm bao nhiêu đoạn, bao nhiêu câu. Phân tích sự liên quan của các câu hỏi vì nhiều khi các câu hỏi sau là gợi ý phần nào để trả lời những câu hỏi trước...
Để làm tốt phần nhận biết, trước hết phải có kiến thức căn bản về nó. Phải có cách để phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Vì thực tế thí sinh thường lẫn lộn giữa các khái niệm (về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận...). Ví dụ, về phương thức biểu đạt: Nếu gặp một văn bản mà có đầu có đuôi câu chuyện, có nhân vật, có thể tóm tắt được thì đó là phương thức tự sự (kể chuyện). Tương tự, văn bản bày tỏ quan điểm, chính kiến cá nhân về các vấn đề xã hội, chính trị, tư tưởng là thao tác nghị luận. Các phương thức còn lại cần xác định như: giàu cảm xúc của người viết, gây xúc cảm mạnh cho người đọc là biểu cảm; làm cho đẹp đối tượng là miêu tả; làm cho rõ đối tượng là thuyết minh...
Câu hỏi nêu nội dung, chủ đề, xác định bố cục, đặt nhan đề cho văn bản... ở phần thông hiểu yêu cầu cao hơn. Đặt nhan đề phải đảm bảo các tiêu chí: đúng trọng tâm, ngắn gọn, hay. Cơ sở để đặt nhan đề là dựa vào chủ đề, hình tượng trung tâm, ý nghĩa hoặc phần ghi chú cuối văn bản nhưng không được đặt trùng tên với phần ghi chú... Xác định nội dung, chủ đề bằng nhiều cách: Dựa vào nhan đề (nếu có), hình tượng trung tâm của văn bản. Cách tìm hiệu quả nhất là chia văn bản ra nhiều phần, ghi chú các nội dung, sau đó gộp các nội dung ghi chú ấy thành đoạn văn chủ đề. Xác định bố cục ý cũng có nhiều cách: Dựa vào các đoạn (các phần) của văn bản; xác định số câu, tìm câu chủ đề của nhóm câu để chia ý thành nhiều đoạn.
Ở phần vận dụng thấp, có thể viết theo các ý gạch đầu dòng cho rõ ràng, càng nhiều ý càng tốt. Đối với yêu cầu viết thành đoạn văn, nên trình bày dài hơn yêu cầu một chút. Nếu đề trích một phần văn bản yêu cầu bày tỏ suy nghĩ thì lấy phần trích ấy làm phần chủ đề rồi triển khai thành đoạn cũng có 3 phần: mở đoạn - triển khai - kết đoạn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét