"Một
số thí sinh bị nhầm điểm ưu tiên dẫn đến đang đỗ thành trượt do chưa
nghiên cứu kỹ quy định, các trường chưa hướng dẫn đúng hoặc đánh giá sai
hồ sơ của thí sinh", Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng
chia sẻ.
- Hơn 30 thí sinh thi vào Đại học Huế được báo không đỗ do nhầm lẫn điểm ưu tiên khi nhập học. Bộ nhìn nhận sự việc này như thế nào thưa bà?
-
Trong khoảng 12.000 chỉ tiêu của Đại học Huế, có hơn 30 trường hợp bị
nhầm về đối tượng và khu vực ưu tiên. Nhầm lẫn này rất đáng tiếc, nhất
là đối với thí sinh và gia đình. Chúng tôi chia sẻ với các em về sự
không may này, tuy nhiên trong tuyển sinh, nhầm lẫn rất khó tránh.
Trước đây, những việc như vậy được giải quyết trong phạm vi của từng cao đẳng, đại học, giữa nhà trường với thí sinh. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay sử
dụng cơ sở dữ liệu chung nên có thông tin chung từ các trường và sự
thống nhất chỉ đạo xử lý trong cả nước. Chúng tôi không xem nhẹ vấn đề
này nhưng cũng muốn các thí sinh yên tâm rằng có thể giải quyết hợp lý
trên cơ sở kinh nghiệm từ những năm trước.
- Những sai sót nói trên nguyên nhân từ đâu?
- Chúng
tôi đang yêu cầu Đại học Huế báo cáo và cho kiểm tra đối với từng
trường hợp cụ thể. Tuy chưa có kết quả cuối cùng nhưng trong quá trình
xử lý một số trường hợp tương tự, chúng tôi thấy chủ yếu do các nguyên
nhân sau:
Hầu
hết sai sót là do thí sinh chưa nghiên cứu kỹ quy chế và quy định liên
quan để đăng ký dự thi với thông tin chính xác. Chính sách ưu tiên được
quy định khá chi tiết vì phải xác định đúng đối tượng thực sự cần thiết,
tránh việc lạm dụng và đảm bảo công bằng trong toàn hệ thống. Nhiều thí
sinh thấy quy định phức tạp đã tìm đến các kênh trợ giúp từ trường
THPT, trường cao đẳng, đại học, phương tiện truyền thông hoặc các đường
dây nóng, email trợ giúp của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, một số em đã không
tận dụng cơ hội này để nhầm lẫn đáng tiếc.
Khi
tập trung tại các cụm thi và đăng ký xét tuyển tại các trường, thí sinh
đều được hướng dẫn kiểm tra thông tin, đề nghị chỉnh lý sai sót, nếu
có. Quy trình này đã hạn chế khá nhiều sai sót nhưng đáng tiếc vẫn chưa
thể loại bỏ hẳn.
Thứ
hai, một vài trường ở địa phương chưa hướng dẫn chi tiết để các em hiểu
chính xác về trường hợp cá biệt của mình hoặc nếu cần thiết thì liên hệ
với ai, ở đâu để được giải đáp… Cá biệt cũng có những cán bộ của trường
cao đẳng, đại học chưa đánh giá đúng hồ sơ thực của thí sinh khi kiểm
tra hồ sơ nhập học…
Đối với Đại học Huế, sai sót chắc không nằm ngoài các nguyên nhân trên.
Đến
Đại học Y dược Huế làm thủ tục nhập học, nữ sinh Lê Xuân Lài cùng bố
nhận được thông báo trượt đại học vì lý do cộng sai điểm ưu tiên.
|
- Trưởng phòng đào tạo Đại học Huế cho biết phần mềm tuyển sinh của Bộ tự động cộng điểm cho thí sinh theo địa chỉ hộ khẩu dẫn đến sai sót đối với thí sinh học ở trường thuộc địa phương khác. Vậy trách nhiệm của Bộ trong trường hợp này như thế nào?
-
Kỳ tuyển sinh đang thực hiện cơ chế “tiền đăng, hậu kiểm” (thí sinh tự
đăng ký hồ sơ trước, các trường sẽ kiểm tra sự chính xác sau). Cơ chế
này tạo tiền đề để tiến tới việc đăng ký trực tuyến ở những năm sau khi
điều kiện cho phép. Phần mềm tuyển sinh chung do Bộ quản lý tiếp nhận cơ
sở dữ liệu từ các địa phương. Dữ liệu này được các trường THPT nhập từ
phiếu đăng ký dự thi của thí sinh. Sau khi nhập liệu, trường đã in thông
tin để các em ký xác nhận chính xác rồi mới chuyển lên Sở, Bộ để dùng
chung.
Khi
thấy có hiện tượng sai sót nói trên, bộ phận kỹ thuật đã kiểm tra lại
phần mềm và thấy rằng vẫn đảm bảo chính xác theo quy chế. Tuy nhiên, nếu
thông tin “tiền đăng” - tức là thông tin trong phiếu đăng ký dự thi
không chính xác hoặc nhập liệu không chính xác (so với hồ sơ thực) mà
không được chỉnh sửa ở các quy trình sau (như đã nói trên) thì số điểm
ưu tiên được phần mềm cộng cũng sẽ không phù hợp với hồ sơ thực của thí
sinh và phải được chế độ “hậu kiểm” xác định lại.
Cũng
có thể số liệu cộng ưu tiên của phần mềm chính xác nhưng đánh giá hồ sơ
thực tại một số trường đại học, cao đẳng không chính xác nên cho rằng
điểm được cộng không chính xác…
- Vậy phương án giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ra sao?
- Nguyên
tắc xuyên suốt trong giải quyết sai sót của Bộ là đảm bảo quyền lợi hợp
lý cho thí sinh, không trái Quy chế tuyển sinh. Việc giải quyết cụ thể
phụ thuộc vào nguyên nhân sai sót đối với từng trường hợp.
Nếu
địa phương hướng dẫn sai, dẫn đến thông tin đăng ký dự thi của thí sinh
sai, Bộ sẽ xem xét để đưa ra cơ chế giải quyết phù hợp; nếu trường hiểu
sai Quy chế, Bộ sẽ chỉ đạo trường thực hiện theo đúng quy chế… Cơ chế
thời gian qua Bộ đã áp dụng với một số trường hợp là xác định điểm thực
cho các em, nếu không trúng tuyển sẽ cho phép lựa chọn lại trường/ngành
học phù hợp với điểm thực đó. Nghĩa là, thí sinh không bị trượt oan
nhưng cũng không hạ điểm trúng tuyển để giải quyết những sai sót này,
nếu có.
Nếu
nhầm lẫn do thí sinh thì các em vẫn phải tự chịu trách nhiệm. Thực tế
là các em đã có ít nhất 3 lần để rà soát điều chỉnh thông tin, nếu chưa
hiểu rõ thì có các kênh tư vấn, trợ giúp… được cấp tài khoản để kiểm tra
trên hệ thống bất cứ lúc nào… Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến khích các
trường nếu tính lại điểm thực của thí sinh vẫn đủ điều kiện trúng tuyển
một ngành nào đó của trường và các em cũng có nguyện vọng thì trường
quyết định cho theo học.
Hiện nay, các đường dây nóng và các email tư vấn tuyển sinh 2015 của
Bộ, của các trường cao đẳng, đại học tiếp tục hoạt động. Nếu thí sinh
thấy quyền lợi của mình chưa được đảm bảo thì có thể liên hệ để được tư
vấn theo các kênh này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét