Theo
lãnh đạo nhiều trường ĐH, đổi mới cách thức xét tuyển như năm nay sẽ
khiến một số trường bị động trong việc gọi đủ chỉ tiêu, nhưng thí sinh
sẽ giảm rủi ro điểm cao mà không trúng tuyển và chất lượng đầu vào sẽ
được nâng lên.
Băn khoăn xác định ngưỡng tuyển
Năm nay, Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội sẽ có 2.950 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ
chính quy cho tất cả 25 ngành. Mỗi nhóm ngành sẽ có đồng thời nhiều tổ
hợp môn thi xét tuyển. Riêng tổ hợp toán - văn - tiếng Anh có trong 25
ngành. Những thí sinh (TS) có thế mạnh tiếng Anh còn có lợi thế xét
tuyển vào trường thông qua một tổ hợp môn thi khác.
Công tác chấm thi đã triển khai tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
|
Theo
PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng nhà trường, do nhóm ngành lâm
học hiện nay kém hấp dẫn với TS nên trường xác định sẽ phải xét tuyển
nhiều đợt. “Chúng tôi mong năm nay Bộ sẽ đưa ra ngưỡng điểm tối thiểu
đảm bảo chất lượng như mọi năm. Căn cứ vào ngưỡng này chúng tôi sẽ nhận
hồ sơ theo theo ngành. Hết đợt chúng tôi sẽ rà danh sách từ trên xuống
đến đủ chỉ tiêu”, ông Tuấn nói.
Với
những trường mà các năm trước điểm trúng tuyển thường cao hơn nhiều so
với ngưỡng đảm bảo chất lượng thì định ra mức điểm để nhận hồ sơ xét
tuyển là một việc khó. “Mọi năm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đều nằm trong
tốp trường có điểm tuyển cao, đó là nhờ số lượng TS dự thi vào trường
đông và chất lượng bài làm của các em tốt. Nhưng năm nay không biết liệu
có nhiều TS muốn đăng ký vào trường không cũng như không biết điểm thế
nào? Nếu định điểm cao quá thì những TS thấp hơn không có cơ hội xét;
điểm thấp quá, những TS điểm cao rút hồ sơ xét trường khác thì mình lại
không có sinh viên giỏi”, PGS-TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH
Sư phạm Hà Nội - băn khoăn. Theo ông Minh, năm nay chỉ tiêu ĐH hệ chính
quy của trường tiếp tục giảm so với năm ngoái, chỉ ở mức trên dưới
2.000.
Còn
ông Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội -
cho biết: “Căn cứ vào kết quả làm bài thi thực tế của TS, sau khi bộ
công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng, chúng tôi sẽ đưa ra ngưỡng điểm
tối thiểu để lấy đó làm căn cứ nhận hồ sơ xét tuyển vào trường. Ngày
21.8, sau khi đã chốt danh sách, chúng tôi có thể định điểm trúng tuyển
bằng cách đếm từ trên xuống đến đủ chỉ tiêu”. Năm nay trường có 1.600
chỉ tiêu ĐH chính quy và 2.900 chỉ tiêu CĐ.
Thí sinh tự điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển
Theo PGS-TS Hoàng Minh Sơn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, từ ngày 1.8 trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển,
TS có thể nộp trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện. “Sau khi
nộp hồ sơ, để theo dõi diễn biến tình hình xét tuyển, TS không phải đến
trường mà chỉ cần ngồi ở nhà truy cập phần mềm xét tuyển thông qua tài
khoản riêng. Từ tài khoản riêng này, các em có thể theo dõi kết quả, cập
nhật thông tin hằng ngày. Dựa trên kết quả hằng ngày, các em có thể tự
điều chỉnh nguyện vọng, chẳng hạn như thay đổi nhóm ngành. Các em chỉ
phải trực tiếp đến trường trong trường hợp muốn rút hồ sơ sang những
trường khác”, ông Sơn cho biết.
Theo
ông Sơn, hệ thống xét tuyển trực tuyến mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
đang sử dụng cho thấy việc xét tuyển theo cách như hiện nay sẽ không có
gì khó khăn. Ông Sơn nhận xét: “Nó sẽ thuận lợi cho TS, giúp các em giảm
rủi ro, tăng cơ hội và có thể quan sát kết quả của mình hằng ngày. Hơn
nữa, chất lượng đầu vào vô hình trung sẽ được điều chỉnh theo hướng nâng
lên với tất cả các trường khi mà những em điểm cao sẽ không mắc rủi ro
là không trúng tuyển”.
Về việc xác định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển, ông Sơn cho biết: “Căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia,
trường sẽ đưa ra một ngưỡng điểm để giúp những TS không có cơ hội vào
trường đỡ mất công nộp hồ sơ. Trường cũng đặt thêm một ngưỡng khác là
điểm trung bình năm học các môn học trong tổ hợp xét tuyển phải từ 20
trở lên”.
Việc
đưa ra ngưỡng điểm theo ngành hay với cả trường cũng là điều các trường
đang cân nhắc. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xác định phải theo từng ngành.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ đưa theo từng nhóm ngành hay khối
thi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét