Cao đẳng dược @ Hà Nội tuyển sinh

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia: Sẽ chọn những "hạt giống" thực sự

Lần đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1” với mục tiêu đổi mới hoàn toàn cách ra đề thi, tổ chức thi… mà đích cuối cùng là giảm mọi áp lực cho xã hội, tăng chất lượng kết quả thi theo hướng gợi mở phẩm chất, năng lực thí sinh, kỳ thi THPT quốc gia có thể coi là khép lại khá thành công, không nhiều biến cố.

Nhiều đồng thuận về cách ra đề thi THPT quốc gia 2015

Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt. Và một trong những ghi nhận tích cực từ kỳ thi chính là mức độ vừa phải nhưng không kém phần hấp dẫn, sinh động trong cách ra đề thi năm nay. Điều này được chính những người trong cuộc, sĩ tử đi thi đồng tình. Nguyễn Hiệp - thí sinh đến từ Nam Định tham gia kỳ thi tại cụm thi ĐH Bách khoa HN - chia sẻ sau kỳ thi: “Lúc đầu em bị áp lực bởi sự mới mẻ của kỳ thi, nhất là cách ra đề thi mới. Tham gia làm đề thi thử cũng rất chật vật để đạt được điểm cao. Nhưng thật may, các môn thi em làm đều ở mức độ vừa phải, không quá đánh đố, lại lồng ghép nhiều vấn đề thời sự nên làm bài khá thoải mái. Em tự tin với kết quả của mình”.
Kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia: Sẽ chọn những "hạt giống" thực sự
Các thí sinh đều nở nụ cười sau giờ thi chứ không quá nặng nề, lo lắng
 
Đồng tình khá cao ở cách ra đề thi nhiều đổi mới tích cực, trao đổi với LĐ chiều 5.7, ông Lê Như Tiến - PCN Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH - cho biết: “Với hai mục tiêu, tôi cho rằng, ngành giáo dục đã gần như đạt được bởi cách ra đề lồng ghép hài hòa giữa lượng kiến thức cơ bản và các câu hỏi phân hóa, giúp lựa ra những “hạt giống” thật sự. Bên cạnh đó, đề thi còn lồng ghép các câu hỏi thời sự, gắn với thực tiễn làm tăng độ hấp dẫn, sinh động. Sau mỗi buổi thi, tôi đều có đi thực tế tình hình ở một số trường tại Hà Nội và thấy, hầu hết các cháu đều nở nụ cười sau giờ thi chứ không quá nặng nề, lo lắng. Đó là điều khác biệt mà ngành giáo dục đã làm ở khâu ra đề thi năm nay”.

Những bài học quý báu

Sau mỗi môn thi, tìm đến các giáo viên bộ môn về cách ra đề thi, hầu hết ý kiến mà Lao Động ghi nhận được chính là độ khó vừa phải của câu hỏi, không quá đánh đố, lại có sự hấp dẫn nhất định. Tuy nhiên, không ít giáo viên cũng cho rằng, chính vì mục tiêu “hai trong một” nên không ít bài thi vẫn hơi ôm đồm về lượng câu hỏi như bài thi môn vật lý, lịch sử, địa lý… Về điều này, ngay từ trước khi diễn ra kỳ thi, nhà giáo Văn Như Cương cũng đã lưu ý về cách thức làm bài của thí sinh. Theo ông, chính vì bài thi nhằm đạt cả hai mục tiêu, trong khi phần câu hỏi cơ bản để đánh giá xét tốt nghiệp THPT lại chiếm 60% nên thí sinh cần tính toán thời gian làm bài rất kỹ.
Nhiều bài học kinh nghiệm khác cũng được chính ngành giáo dục tự đúc rút ngay sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - ông Mai Văn Trinh - thừa nhận, thời điểm tổ chức kỳ thi năm nay rơi vào đợt nắng nóng gây bất lợi cho thí sinh là điều cần phải tính toán kỹ để rút kinh nghiệm các năm sau. Bên cạnh đó, có nhiều phàn nàn về việc gian lận thi cử “rơi” vào nhiều ở cụm thi ĐH, ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của kỳ thi. Ông Mai Văn Trinh cũng thừa nhận, có tình trạng gian lận thi cử sử dụng công nghệ cao tinh vi, gây khó khăn lớn cho các hội đồng thi để phát hiện gian lận. Đây cũng là bài học kinh nghiệm lớn cho Bộ GDĐT vào các kỳ thi THPT quốc gia năm sau.

Hoàn tất việc chấm thi trước ngày 20.7

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, công tác chấm thi đã được siết chặt và chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong thời gian các cụm tiến hành chấm thi và sau khi có kết quả chấm thi, nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường, Bộ GDĐT sẽ chấm thẩm định. Tại các hội đồng chấm thi bắt buộc phải thực hiện việc chấm kiểm tra ngẫu nhiên ít nhất 5% số bài thi/môn để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh. Ngoài ra, Bộ GGĐT quy định các cụm thi trên cả nước phải hoàn thành tất cả việc chấm thi trước ngày 20.7. T.S

0 nhận xét:

Đăng nhận xét